Trước khi đọc thì mình xin ghi nguồn là mình lấy từ VỌC RECORD và biên tập lại từ bản dịch của họ, mình cũng đã cố gắng đi tìm tài liệu này trên mạng và cả site Nhật luôn nhưng không có nên đây là tài liệu duy nhất mà VỌC Record có được. Vì mình không biết kanji của nhà sản xuất Kakuma Takashi này nên mình cũng không tìm được tấm ảnh nào của ông, cũng không thấy tấm nào chụp với nghệ sĩ Khánh Ly nữa, và điên đầu hơn là trang wiki Nhật và các trang báo Việt Nam chưa bao giờ đề cập đến người này luôn.
1) Đôi nét về ca khúc "Diễm Xưa" của Khánh Ly
Năm 1997, Khánh Ly qua Nhật hát và
nhà văn Kado Hideo đã nghe bà hát. Sau
đó ông thực hiện cuốn sách mang tên
"Diva tuổi 22 của Việt Nam". Đây cũng là dự án của đài NHK nói về gia đình. |
Diễm xưa là một bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết năm 1960, được phát hành trong băng nhạc Sơn Ca 7, lấy từ ý "Diễm của những ngày xưa". Ca khúc được nhạc sĩ Trịnh lấy cảm hứng từ tình yêu lặng thầm dành cho “nàng thơ” Ngô Vũ Bích Diễm, một cô gái Hà Nội theo gia đình vào Huế sinh sống. Bài hát được Khánh Ly thu âm và chính thức phát hành trên thị trường trong nước vào năm 1974.
Năm 1970, Khánh Ly được hãng đĩa Myrica Music mời sang Tokyo để thu âm 2 ca khúc Diễm xưa và Ca dao mẹ bằng cả 2 ngôn ngữ Việt - Nhật. Cũng trong năm đó, bà đã trình diễn Utsukushii Mukashi (Tháng ngày tươi đẹp xưa), lời Nhật được dịch bởi Takashina Makoto (không tìm được ảnh người này luôn). Cùng năm, ca khúc cũng được diễn trước hàng trăm nghìn khán giả tại Hội chợ quốc tế Osaka. Không lâu sau đó, hãng đĩa Nippon Columbia đã phát hành các phiên bản Nhật của Diễm xưa cùng một số ca khúc khác của Trịnh Công Sơn ở Nhật.
Khánh Ly trình diễn tại Hội chợ quốc tế Osaka năm 1970, nếu mình không nhầm thì người đứng sau chơi đàn là nhạc sĩ quá cố Nguyễn Ánh 9, vì Trịnh Công Sơn đã không đi được.
Utsukushii Mukashi nhanh chóng trở thành một ca khúc hit trên thị trường âm nhạc Nhật Bản tại thời điểm đó.Thậm chí, mỗi khi nhắc đến âm nhạc Việt Nam, người Nhật sẽ nghĩ ngay đến Khánh Ly. Bà còn được báo chí Nhật Bản dành tặng những mỹ từ như “ca sĩ hoa hậu áo dài” (do những lần diễn ở Nhật, bà đều mặc áo dài gấm).
Bản Utsukushii mukashi đã trở nên một trong 10 tình ca hay nhất mọi thời đại của Nhật Bản, và được xếp vào nhóm nhạc enka. Bản cover của Yoshimi Tendo trình bày đã xếp hạng 11 trong 20 ca khúc hay nhất trên kênh cáp của Nhật Bản năm 2004 và là nhạc phẩm Châu Á đầu tiên được Đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục trong môn Văn hoá Việt và Âm nhạc.
Yoshimi Tendo sang Việt Nam diễn năm 2002.
Tháng 8/2002, Yoshimi Tendo đã từng đến Việt Nam, mặc áo dài và hát Utsukushii Mukashi để ghi hình cho một chương trình của đài NHK. Đến tháng 9/2003, bà đã thu âm và chính thức phát hành ca khúc tại thị trường Nhật Bản.
Vào năm 1978, Utsukushii Mukashi được đài truyền hình lớn nhất Nhật Bản NHK chọn làm nhạc phẩm chính cho bộ phim Sài Gòn Kara Kita Tsuma To Musuko (Người vợ và cô con gái đến từ Sài Gòn)
(Mặc dù là tác phẩm giả tưởng dựa trên tiểu thuyết của tác giả Kondo Koichi, nhưng nội dung câu chuyện là của chính cuộc đời tác giả vẽ ra. Kondo Koichi là một nhà báo, tiểu thuyết gia thuộc tòa báo Sankei Shimbun, và ông từng hoạt động ở Việt Nam từ năm 1971 đến 1974. Lúc này ông gặp bà Vũ Thị Nâu ở Sài Gòn và bà là người vợ thứ 2 của ông (người vợ đầu qua đời), bà Nâu có cô con gái là Minh Xuân (Miyun) cũng được ông nhận luôn như con gái ruột.
Đây là hình ảnh gia đình ông ở ngoài đời, được lấy từ cuốn sách "Vợ và con gái ở Bangkok" do ông viết và xuất bản năm 1980. |
Ông qua đời vào năm 1986 do ung thư dạ dày. Được biết là bà Nâu sau đó cùng với con gái chuyển đến Paris sinh sống và tái hôn với một người đàn ông Pháp, họ cũng có một người con trai.)
*Vì nội dung bộ phim hơi thú vị nên viết chi tiết xíu.
2) Tự truyện của Kakuma Takashi
Tự truyện 4 chương của Kakuma Takashi. Ảnh của Vọc Record |
Một tự truyện ngắn gồm 4 hồi của nhà sản xuất người Nhật Kakuma Takashi, kể lại về hành trình từ khi biết Khánh Ly tại Việt Nam đến khi mời được cô sang nhật để thu âm album Diễm Xưa phiên bản tiếng Nhật. Tự truyện này chỉ có thể tìm thấy trong album nên cũng có thể nói là tư liệu hiếm. Bản dịch lược dưới đây là bản quyền của Vọc Record.
Kakuma Takashi, sinh năm Showa thứ 11 – tác giả/ giảng viên môn văn học hiện thực Đại Học Mỹ Thuật Tokyo.
Chương 1: Nghe danh – Sài Gòn, 3/2/1968
|
Từ giữa vùng đất đỏ của những trận bão lũ, qua những bông hoa xuân đỏ, một giọng hát đẹp đến nỗi tưởng chừng như trong veo vang lên. “Hả, đây là gì thế nhỉ?” Trước mặt tôi, một làn khói dày đặc giăng kín màn đêm. Giữa làn khói ấy, một khuôn mặt trắng bệch đến cả lông mi nom như một người già, nghiên trái rồi lại phải như để chào hỏi.
Đùng, đùng,…
Tiếng động đột ngột vang lên làm tôi lạnh cả sống lưng nghe như tiếng của cộng sản nằm vùng xung quanh thu đô tấn công bất ngờ vậy. Tết (năm mới lịch âm ở Việt Nam) lúc ấy đang là giai đoạn chiến tranh gay gắt ở Việt Nam. Tất cả các sân khấu âm nhạc bị cấm đồng loạt, người dân ra đường sau 10 giờ tối mà không trả lời được câu hỏi của lính tuần tra sẽ bị bắn giết ngay lập tức,… Những luật lệ vô cùng khắc nghiệt do Tổng Thống đưa ra khiến cho không gian trong thành phố nín thở im lặng như người đã chết. Vậy nhưng, vậy nhưng, vậy nhưng, từ trên bệ cửa sổ ở mỗi nhà, trên đại lộ, ở vùng trung tâm, những bông hoa xuân đỏ như máu vẫn cố gắng trút từng nỗ lực cuối cùng mình, kiêu hãnh khoe sắc. Một cảnh tượng hết sức trớ trêu như gợi ra vô vàn các điềm xấu chuẩn bị xảy ra.
“Ơ nhưng mà, giọng hát trong suốt vừa rồi là của ai vậy?” – Tôi gặng hỏi phiên dịch của tôi. “Đấy là bang cát sét của Khánh Ly đó.” – anh ta trả lời.
Nhìn khuôn mặt đột nhiên tươi cười khi trả lời của chàng thanh niên mới qua tuổi 19 ấy, tôi đâm tò mò. “Khánh Ly?” – “Đúng thế, cô ấy là ca sĩ xuất thân từ Huế.
Cô ấy chỉ hát đúng nhạc của người thầy đồng hương là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác thôi.” Huế là vùng đất nằm ở 17 độ vĩ bắc của Việt Nam, một cố đô, trung tâm cũ của Việt Nam. Nói cho dễ hiểu thì đấy chính là vùng Kyoto của Nhật Bản vậy. Khi mọi người nhớ đến Huế, người ta luôn mường tượng về một miền quê yêu dấu xa xưa. Hay ít ra là nó đã từng là nơi như thế. Bởi cách đây một vài năm, quân đội Bắc Việt Nam phản công tại Huế. Trận chiến khiến cho vùng đất thơ mộng bị phá hủy đến mức không còn gì sót lại. Thứ còn sót lại phải chăng là tiếng khóc thương người chết, máu và bùn. Người dân nơi đây phải di tản xuống miền Nam ở.
“Lúc ấy, Trịnh Công Sơn đang là sinh viên năm 3 trường Đại Học Huế. Chàng thanh niên vừa bước sang tuổi 21 cùng vài người chiến hữu của mình cùng nhau buộc phải trú ẩn ở hầm ngục dưới đất của di tích cố đô. Họ hét đến ho ra cả máu những điều làm họ trăn trở.“Tại sao ngay cả vùng đất quê hương của tổ tiên chúng ta cũng bị phá hủy?” hay “Tại sao đồng bào Việt Nam lại tàn sát chính nhau trên quê hương mình?”
Chỉ trong một tối ít ỏi, ông cùng những người bạn đã sáng tác ra tận 58 bài hát với chủ đề phản đối chiến tranh. “Nhất định, một ngày nào đó rồi Nam và Bắc Việt sẽ thống nhất, về chung một mái nhà, đồng bào Việt sẽ lại tay nắm tay. Chúng ta sẽ sống để chờ ngày đó. Chúng ta tin vào ngày ấy” – Trịnh Công Sơn vừa khóc vừa dứt áo rời bỏ miền quê Huế vào Sài Gòn.”
Cậu phiên dịch của tôi hơi tỏ thái độ như thể một người nước ngoài sẽ không thể hiểu được nỗi đau ấy. Nhưng rồi cậu vẫn kể tiếp.
“Cùng lúc ấy, Khánh Ly 16 tuổi, do số phận đưa đẩy cũng sinh sống ở Sài Gòn. Mất bố và các anh em, cô phải lang bạt một minh ở khu ổ chuột khu Chợ Lớn. Cuộc sống khốn khổ còn làm Khánh Ly nghi đến cái chết. Đúng trong giai đoạn khó khăn ấy, cô nghe danh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua lời đồn. Mặc cho chưa nhìn thấy lẫn quen biết gì nhạc sĩ, cô vẫn tìm gặp đến ông. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhìn thấy cô gái đồng hương với thân thể lẫn trái tim bị tổn thương nặng nề, chỉ lặng lẽ rút cây đàn guitar ra, gảy đàn cho Khánh Ly nghe. Tới bài hát thứ 58 thì bầu trời bên ngoai hửng sáng để báo hiểu một ngày mới đã đến rồi. Tắm minh trong ánh nắng ban mai, Khánh Ly thủ thỉ với nhạc sĩ:
“Em cũng muốn thử hát…”.
Khoảnh khắc ấy chinh là giây phút ra đời của ca sĩ được mệnh danh là “vầng thái dương của Việt Nam”, ca sĩ được người dân khắp cả nước mến mộ và cảm phục.
Nghe cậu phiên dịch kể, chả biết từ lúc nào mà mắt tôi nhắm lại, miệng lẩm bẩm theo băng cát sét cứ như thể một người Việt đã thuộc lòng lời bài hát của Khánh Ly từ lâu… Một ngày nào đó…Nam và Bắc Việt thống nhất…Chúng ta sẽ sống…chờ ngày đó tới….
Chương 2: Mẫu Quốc – 25/4/1970
Bản dịch tiếng Nhật của hai ca khúc "Diễm Xưa" và "Ca Dao Mẹ". Ảnh của Vọc Record. |
Hai năm sau, tôi lần đầu tiên gặp mặt Khánh Ly ở một góc nhỏ ven sông Sài Gòn. Có thể nói Khánh Ly là mỹ nhân đẹp nhất Việt Nam, cô kế thừa những nét rất riêng của dòng máu vương triều Huế, một trong những người con gái đẹp nhất mà tôi từng gặp. Quả thực biệt danh “Vầng thái dương của Việt Nam” là không hề sai, nói thế nào thì nhìn thế ấy.
10 năm chiến tranh liên miên, hỗn loạn, người dân Việt Nam không ít thì nhiều có khuynh hướng tuyệt vọng, mặc sự đời ra sao thì ra. Trong tình trạng phải sống không nhà, ăn không đủ thì đấy cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng chỉ cần lắng nghe tiếng hát đầy âm nhiễu từ một chiếc băng cát sét tái chế lại của Khánh Ly, họ (người dân Việt Nam) có thể nhẫn nhịn chịu đựng tiếp. Một ngày nào đó…Một ngày nào đó… (Nam và Bắc Việt thống nhất – ND).
Đứng giữa ranh giới của sống và chết mỗi ngày, tiếng hát trong trẻo của Khánh Ly tựa như sự tái sinh cho tâm hồn lạc lõng của người nghe. Chẳng hiểu vì lí do gì nhưng giọng của cô luôn khiến cho người nghe sục sôi hào khí “Được rồi, ta PHẢI sống tiếp!” và tiếp tục gắng gượng đấu tranh.
Thế nên là cho dù chính phủ có hà khắc đến mức chĩa họng súng và ra chỉ thị “Cấm tiếng hát ở mọi nơi, người phản đối sẽ bị bắn chết ngay lập tức,…”, người dân không bao giờ hé răng đến nửa lời về điều này. Những tấm băng cát sét cũ được tái chế, rồi lại được tái chế, rồi lại được tái chế một lần nữa dưới dạng những bản copy lậu cứ thế len lỏi giữa các xóm làng của làng quê Việt Nam.
"Đợt xung kích Tết năm ấy thật là đáng sợ nhỉ?"
"Quả thực là như thế. Khi tôi nghĩ về những gì diễn ra ở Huế năm ấy, mọi thứ tựa như mới ngày hôm qua vậy." Bằng một giọng thấp hơn tôi nghĩ, “vầng thái dương của Việt Nam” trả lời tôi.
Là một nhân chứng lịch sử của thời kì thực dân Pháp thuộc địa hóa Việt Nam, Khánh Ly rất hung phấn khi trò chuyện với tôi bằng tiếng Pháp.
“Khánh Linh này, ở đây là thủ đô của miền Nam Việt Nam, là thành phố lớn nhất cuối cùng của bán đảo Đông Dương. Giả như đất Sài Gòn này cũng không còn nữa, thì chỉ có cách duy nhất là ra nước ngoài thôi. Nếu quân cộng sản chiếm thành công, thì tất cả công sức của cô dày công vun đắp như địa vị, tài sản, danh tiếng với tư cách là ca sĩ được người dân mến mộ nhất sẽ bị tước đoạt toàn bộ. Để bảo vệ chúng, cách tốt nhất là cô nên sang Mỹ hoặc Pháp, cô không thấy thế sao?”
“Không. Việt Nam là mẫu quốc của tôi. Cha tôi sinh ra và lớn lên ở đây, cha của cha tôi cũng thế và những người trước đó cũng vậy. Trải qua hàng chục, hằng trăm năm, tổ tiên của chúng tôi luôn gắn bó và yêu dấu đất Việt này. Với miền quê hương mà ông cha tôi dày công xây dựng như thế, tôi làm sao có thể bạc tình vứt bỏ nó đi như vậy? Tôi cũng hay nói chuyện với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về việc này, chúng tôi cùng đồng ý rằng cho dù quân cộng sản có chiếm hết mọi mảnh đất đi chăng nữa, chúng tôi cũng không bao giờ có dự định chạy trốn khỏi mẫu quốc Việt Nam. Cho dù là quân cộng sản đi chăng nữa, họ vẫn là người Việt cơ mà? Chúng tôi có cùng một dòng máu, nói cùng một ngôn ngữ, có cùng một nền văn hóa, là anh em một nhà. Tại sao tôi lại phải chạy trốn khỏi họ?”
Chẳng biết từ lúc nào, giọng của Khánh Ly nói mà cứ trở nên trong trẻo như thể đang hát vậy. Giọng nói dứt khoát, cử chỉ điềm đạm và thái độ nghiêm túc của cô làm cho cô tỏa ra một sự uy nghiêm tột độ, không hề giống với một cô thiếu nữ ở tuổi đôi mươi một chút nào.
Chương 3: Tuyệt vọng – 18 tháng 5 năm 1975
Bìa single "Diễm Xưa/Ca Dao Mẹ" phát hành năm 1979. |
3 năm sau, mùa xuân năm 1975, không lâu sau sự sụp đổ của thủ đô Phnom Penh, Campuchia, thành phố Sài Gòn cũng rơi vào tay của Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc, toàn bộ bán đảo Đông Dương thuộc về chủ nghĩa cộng sản.
Sự kết thúc của nơi từng được gọi là “Paris của Đông Dương” quả thực rất đau đớn. Người dân tị nạn chất cao như núi để bám vào song sắt máy bay của Mỹ và cầu xin “Hãy để tôi thoát khỏi nơi này với.” Từ trên nóc tòa đại sứ quán, những chiếc trực thăng quân sự chở các cựu quan chức Việt Nam đã bay đi không chút do dự còn người dân thì bị di tản sang máy bay hạm đội 7 cùng với tàu tuần dương đang chờ sẵn trên biển. Có chiếc trực thăng không thể cất cánh và bốc cháy, kéo theo làn khói mù mịt dưới chân. Một cảnh tượng chính xác là định nghĩa của địa ngục trần gian.
Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly lại ở lại nước trong tâm thế rất bình tĩnh. Nhìn sang nguyên đại tổng thống và trưởng cục cảnh sát tháo chạy cùng với một bịch chất đầy kim cương vàng bạc, thì 2 người họ cứ như thể là thế lực siêu cường, nhìn mọi thứ như như thường ngày vốn có. Họ sẽ không thể nào trở lại sự xa xỉ như trước dưới chính sách của triều đại cộng sản. Tuy nhiên cuối cùng thì mơ ước cũng thành hiện thực: Nam và Bắc Việt Nam được thống nhất.
Tôi đã nghĩ rằng người dân Hà Nội và Sài Gòn sẽ có thể cùng nhau dựng xây lại ngôi nhà Việt Nam, nhưng không. Có quá nhiều khoảng cách giữa “lý tưởng” và thực trạng của chính phủ cộng sản lúc bấy giờ còn nảy sinh ra các vấn đề phức tạp hơn. Lúc đó, Khánh Ly đã kết hôn với một quan chức cấp thấp của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũ và có với nhau một người con. Một tối nọ có một người lính cộng sản mặc trang phục toàn đen đến tra hỏi chồng cô. Sau đó trước mặt Khánh Ly và con, hắn bắn chết người chồng, với một lý do rất mơ hồ là "vì nghi ngờ có sự phản động với tổ quốc.”
Khánh Ly, trong tình trạng nửa điên nửa khùng, chạy thẳng đến chỗ của Trịnh Công Sơn bằng đôi chân trần, kể lại toàn bộ mọi chuyện trong nước mắt. Rồi nhạc sĩ nói với cô qua đôi mắt buồn hơn bất cứ thứ gì trên thế gian này:
"Em chạy ngay đi, cứ tình trạng thế này thì đến ngay cả con cái em rồi cũng không bảo vệ được đâu."
"Còn anh thì sao?"
"Anh chỉ có một mình tấm thân này thôi. Vả lại anh muốn tận mắt chứng kiến vận mệnh đất nước quê hương mình tới cùng. Ngày mai anh cũng bị chế độ điều ra Đà Nẵng, nhưng mà tuyệt đối anh sẽ không bao giờ bỏ chạy cả. Em thì khác. Em phải đi đi, vì những đứa con đáng mến của em nữa."
Tối đó, cô bế một đứa bé 5 tháng tuổi sát ngực, chạy ra hướng biển Nha Trang. Dưới ánh trăng chập chờn có một chiếc thuyền nhỏ, nhưng dã chật kín người trên mạn tàu.
"GIẾT HẾT NHỮNG KẺ BỎ TRỐN"
Tiếng súng "tạch tạch tạch" vang lên từng hồi cùng với tiếng hét xé trời đất vọng ra từ phía sau. Khánh Ly la lên:
“Cứu tôi với!”
Chợt hàng chục cánh tay từ thuyền vươn ra. Mọi người hét lên với nhau:
“Khánh Ly, là ca sĩ Khánh Ly đó. Hãy cứu lấy Khánh Ly!”
Tiếng kêu ngày càng lớn trong đêm khuya, và cơ thể bé nhỏ của cô và đứa bé được nhấc lên thuyền…
Chương 4: Tái ngộ - 3 tháng 5 năm 1981
Khánh Ly và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngày 1/4/1980, sau tròn 20 năm công tác với tư cách là người dẫn chương trình TV, tôi nghỉ việc tại đài NHK để theo đuổi những dự định riêng của bản thân với tư cách phóng viên tự do. Các dự án cá nhân muốn làm thì chất cao như núi. Tuy nhiên trong số ấy, gặp “vầng thái dương Việt Nam” của sau này luôn là ưu tiên số một của tôi.
Khi tôi truy lùng tung tích về Khánh Ly, có vô số lời đồn thổi thất thiệt như “thuyền của Khánh Ly gặp hải tặc và cô bị giết hại”, hoặc “Tàu bị chìm khi đến Nam Á, cô đã chết mất xác”…
Tôi đã mất rất nhiều công sức từng bước một tra tìm dấu chân Khánh Ly từ Paris đến Algeria, rồi lại từ Algeria đến Manila và rồi biết được cô đang sinh sống tại một trại tị nạn ở San Diego, California. Tôi gặp Khánh Ly sau đúng 1 năm truy tìm cô.
Khánh Ly thường đi tản mạn khắp các trại tị nạn của người Việt nằm rải rác trên nước Mỹ và tổ chức các concert từ thiện, phục vụ cho những đồng bào cùng chứng kiến “địa ngục” năm nào. Cô đã bước tiếp bước tiếp theo trong cuộc đời mới. 8 trong số 10 ca khúc trong album mới của cô được ghi âm bởi hãng New Continental (Mỹ). Thậm chí 2 ca khúc “Diễm Xưa” và “Ca Dao Mẹ” còn được ghi âm khi cô tới Nhật tham dự hòa nhạc Osaka World Expo giai đoạn giữa cuộc chiến tranh Việt Nam, sau đó thì được phát hành. Lắng nghe giọng hát của cô sau hơn 10 năm, khó mà biết được trong lòng cô đã bao nhiêu bão táp ập đến, hoành hành rồi lại trôi đi để chờ những đợt giông bão tiếp theo do chiến tranh gây nên. Tuy vậy. hành trính của Khánh Ly, của vầng thái dương Việt Nam, chưa bao giờ kết thúc ở đây cả. Biên tập: Navi
|
Nhận xét
Đăng nhận xét