Vì sao cả cuốn sách và bộ phim Hồi Ức Một Geisha chiếm dụng văn hóa?

Chắc hẳn nhiều người đã từng đọc qua cuốn Memoir Of The Geisha (Hồi Ức Một Geisha) của nhà văn Arthur Golden ra mắt năm 1997. Mặc dù là sách giả tưởng, nhưng được dựa trên các cuộc phỏng vấn riêng giữa Arthur với các cựu geisha của Nhật Bản để có thể khắc họa được hình ảnh gần như hoàn hảo cho nhân vật Sayuri/Chiyo. Thậm chí bộ phim chuyển thể cũng vô cùng thành công vào năm 2005.

Một sai lầm trầm trọng mà Arthur Golden đã phạm phải là ông đã tiết lộ danh tính của Iwasaki Mineko, một cựu geisha huyền thoại và có quyền lực trong lịch sử. Ban đầu bà yêu cầu ông giữ danh tính của bà sau khi cuốn sách ra mắt. Nhưng ngay sau khi cuốn sách thành công, Arthur đã mạnh miệng công bố tên của bà trên các trang báo quốc tế rằng ông vô cùng "cảm kích" Iwasaki Mineko vì đã cho ông những thông tin quý giá để thực hiện cuốn sách này và khẳng định ông lấy cuộc đời của bà để làm cốt truyện chính cho nhân vật. Nhưng một điểm đáng chú ý là vài thông tin trong cuốn sách đã quá mức "xa vời" so với cuộc sống thực sự của một geisha. 

Iwasaki Mineko hồi trẻ.

Arthur thậm chí còn nói rằng ông còn giữ cuốn băng thu âm phỏng vấn với Iwasaki Mineko vào năm 1992 ở một khách sạn ở Luân Đôn để chứng minh rằng mình không hề bốc phét. Trong đoạn băng, bà đã kể về cuộc đời và thể hiện niềm 'tự hào' của một geisha hơn là một sự 'ô uế' như cuốn sách miêu tả. Theo lời Mineko, bà đã tin tưởng Arthur vì đây là thành viên của gia đình kiểm soát Thời báo New York và vì ông được giới thiệu rất nhiều bởi khách hàng cũ của bà. Nhưng vì điều này nên danh tiếng của Iwasaki Mineko bị ảnh hưởng trầm trọng và thậm chí bà còn bị dọa giết vì đã tiết lộ những bí mật của nghề geisha. Rất nhiều bạn bè và người cùng ngành đã quay lưng lại với bà sau khi cuốn sách được dịch ra tiếng Nhật.

Đứng trước chỉ trích và bị phản bội, Iwasaki Mineko đã lên tiếng rằng cuốn sách của Arthur Golden có quá nhiều điều giả dốisai sự thật. Chẳng hạn trong tiểu thuyết, trinh tiết của nhân vật chính Sayuri được bán đấu giá cho ai trả giá cao nhất (trong sách gọi là mizuage*). Bà tuyên bố rằng bà chưa bao giờ trải qua điều này, thậm chí phong tục như vậy còn không hề có ở Gion Kobu (Thành phố Geisha lớn nhất Nhật Bản ở Kyoto, cũng là nơi bộ phim chuyển thể được quay). 

Lễ trưởng thành của Mineko
năm 21 tuổi

(*Mizuage là phong tục trưởng thành của các maiko học việc bằng cách thay đổi kiểu tóc và ngày nay là quay cổ áo kimono (được gọi là erikae). Tuy nhiên, điều mà Arthur mô tả không hẳn là không sai, đã từng có hoạt động phi pháp như vậy. Cựu geisha Sayo Masuda mô tả mizuage trong cuốn tự truyện năm 1956 của bà là một hành vi bóc lột tình dục. Masuda kể về việc các okiya (nhà geisha) nhiều lần bán bà cho đàn ông với mục đích lấy đi trinh tiết của bà. Giao dịch rõ ràng là một sự dàn xếp tình dục, khác xa với nghi lễ trưởng thành để trở thành geisha và mang lại cho các okiya một khoản lợi nhuận lớn. Với những kinh nghiệm cá nhân của mình, Masuda đã chống lại việc hoạt động mại dâm ngoài vòng pháp luật ở Nhật Bản. Cũng vào năm 1956, hoạt động này của các okiya đã bị cấm triệt để bởi Bộ luật Phòng chống Mại Dâm.)

"Tôi sợ rằng khi khách du lịch đến Nhật Bản và nhìn thấy geisha, họ sẽ nghĩ chúng tôi có niêm yết giá." Bà Teruko, một cựu geisha chia sẻ. Teruko nói rằng bà đã được Đại học Columbia mời đến giảng một bài ngắn về cuộc sống của geisha vào năm 1998. Tất cả các câu hỏi của sinh viên đều là về cuốn sách này, bà nói: ''Họ muốn biết khi tôi thực hiện mizuage, số tiền được trả để quan hệ tình dục là bao nhiêu.''

Một tình tiết khác thì nhân vật Sayuri bị cha mình bán đi do nhà nghèo, nhưng Mineko được gia đình đầu tư cho học làm geisha ngay từ nhỏ để sau này cô có cuộc sống tốt hơn (Vào giai đoạn đỉnh cao, bà được trả tiền lương là 500.000$, cao nhất đối với một geisha). Mặc dù nhiều tình tiết khác thì bà có thừa nhận là đúng với cuộc đời của mình, nhưng bà bất mãn vì nhân vật Sayuri trong sách lại quá cực đoan với các sự kiện đó vì ngoài đời của chính bà.

Năm 2002, bà cho ra mắt cuốn tự truyện riêng để phản bác lại tác phẩm gốc
 và cũng trở thành sách bán chạy. Đáng tiếc là chưa được dịch ở Việt Nam.

Một điều khiến cuốn sách nổi tiếng vì nó là tác phầm đầu tiên tiết lộ bí mật nghề của geisha

Bà chia sẻ về cuốn sách của Arthur như sau: "Cuốn sách này mô tả phụ nữ là những con người ngu ngốc, đi theo hết người đàn ông này đến người đàn ông khác vì tiền. Thực tế, hệ thống của Geisha cho phép người phụ nữ đạt được sự độc lập. Chúng tôi là những nghệ sĩ, chúng tôi ca hát và nhảy múa. Đó là cách chúng tôi kiếm sống chứ không phải là bằng tình dục."

Đài NBC đã phỏng vấn Mineko Iwasaki và một số geisha khác về cuốn sách 
của Arthur vào năm 2002.

Năm 2001, Mineko đã đệ đơn kiện lên tòa án Manhattan cáo buộc tác giả Arthur Golden và nhà xuất bản của ông, Alfred A. Knopf, về tội phỉ báng, vi phạm hợp đồng và vi phạm bản quyền. Bà muốn được bồi thường một phần từ 10 triệu đô la thu được từ việc xuất bản cuốn sách.

"Tôi đã kể cho cậu ta nghe nhiều điều về thế giới geisha. Tôi đã làm tất cả những gì có thể, nhưng với điều kiện là cậu ta không được sử dụng tên tôi hoặc tên gia đình tôi trong cuốn sách - dựa trên điều này mà tôi mới đồng ý nói chuyện. Cuối cùng, tất cả những lời hứa đó đã bị phá vỡ."

Vụ kiện đã được giải quyết vào năm 2003 với một khoản tiền bồi thường bí mật cho Iwasaki Mineko. Bà cũng viết hẳn một cuốn tự truyện riêng tên là "Geisha: A Life" (Chuyện đời một Geisha), đối nghịch hoàn toàn với cuốn sách của Arthur và cho mọi người thấy một thế giới hoàn toàn khác của Geisha. Cuốn sách được ra mắt quốc tế với cái tên "Geisha of Gion" và được xem là cuốn sách hay nhất và chân thực nhất về cuộc đời của một Geisha Nhật Bản.

Mineko và chồng của bà.

Hiện tại ở độ tuổi 72, bà đang là một doanh nhân và là họa sĩ sau khi lấy chồng. Chồng của bà là Junichiro Sato, là một họa sĩ truyền thống của Nhật Bản. Cả hai kết hôn vào năm 1982 và có con gái vào năm 1983. Vì hứng thú với công việc của chồng, bà cũng đã được chồng dạy về hội họa truyền thống. Năm 2009, bà thành lập Hội đồng Quốc tế về Quảng bá Văn hóa và Nghệ thuật Nhật Bản, và đang nỗ lực phát triển nguồn nhân lực và quảng bá nhằm kế thừa đúng đắn văn hóa truyền thống Nhật Bản.

P/S: Một trong những sự kiện khiến cho Iwasaki Mineko nổi tiếng ở Gion đó là trong một lần, một vị khách nam đã đẩy bà ngã khi cúi chào và kéo váy lên để xem quần lót. Qúa mức tức giận, bà đã chạy đi lấy con dao và quay lại phòng hét lớn "Tất cả ngồi im" rồi dí sát con dao vào cổ họng của vị khách thô lỗ kia và giảng cho ông ta một bài học nhớ đời trước khi đuổi ra khỏi quán.

Bộ phim đã làm sai đến đâu?

Nữ diễn viên thậm chí còn không cho đánh phấn gương mặt quá đậm như Geisha vì đạo diễn "sợ" người xem sẽ bị ám ảnh.

Tất nhiên là khi tác phẩm gốc đã sai quá nhiều thì bộ phim chuyển thể cũng không thể làm đúng. Đầu tiên là về phía Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông cấm chiếu bộ phim và thậm chí không cho phép tổ chức buổi công chiếu. Lý do vì liên quan đến chính trị của Nhật Bản khi để 3 diễn viên Trung Quốc vào vai biểu tượng của nước Nhật. Họ cho phép các cửa hàng băng đĩa lậu in ấn bộ phim, nhưng giá rẻ như cho là tầm 20.000 vnđ (1 đô la).

Nữ diễn viên chính là Trương Tử Di thậm chí còn có những phát ngôn nhạy cảm như sau: 

"Vị đạo diễn chỉ quan tâm đến việc chọn một người mà ông ta tin là phù hợp cho một vai diễn... bất kể người đó là người Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc, tất cả chúng tôi đều phải học thế nào là một geisha, bởi vì ngày nay hầu như không ai biết điều gì về họ, thậm chí cả các diễn viên Nhật Bản trong bộ phim. Geisha không phải là một bộ phim tài liệu. Tôi nhớ mình đã đọc trên báo Trung Quốc một đoạn nói rằng chúng tôi chỉ dành 6 tuần để học mọi thứ và điều đó là không là tôn trọng văn hóa. Nó giống như nói rằng nếu bạn đang chơi với một kẻ phá hoại, bạn phải cướp một số thứ từ vài người nhất định. Theo suy nghĩ của tôi, vấn đề này là đều là do lịch sử căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Toàn bộ là do tranh chấp chủ quyền. Có thể một trong những lý do khiến mọi người ồn ào về Geisha là họ đang tìm cách để trút giận."


Một trong những cảnh phim được xem là đẹp nhất nhưng chỉ khiến người Nhật tức giận khi
Geisha bị mô tả không khác gì một cô gái nhảy trong hộp đêm.

Về phía Nhật Bản, bộ phim vẫn được chiếu nhưng người xem không hiểu gì, vì văn hóa của họ đã bị tẩy trắng một cách quá đà. Tất nhiên, họ cũng ghét 3 nữ diễn viên Trung Quốc vào vai biểu tượng văn hóa của họ. Chuyên gia văn hóa Nhật Bản Peter MacIntosh, người đã cố vấn về bộ phim và từng kết hôn với một cựu geisha, bày tỏ lo ngại rằng bộ phim này không được làm ra cho khán giả Nhật, và bất kỳ ai am hiểu về văn hóa Nhật Bản khi xem bộ phim sẽ cảm thấy "kinh hãi".

(Mặc dù khá thích diễn xuất của Ken Watanabe nhưng thực sự hơi thất vọng khi ổng bao biện cho bộ phim này, nói rằng: "Hãy nên tôn trọng tài năng hơn là quốc tịch")

Một định nghĩa đầy đủ nhất về chiếm dụng văn hóa.

Tạm kết

Thật khó để phủ nhận rằng mọi người vẫn sẽ nói về cuốn sách và bộ phim Hồi Ức Một Geisha khi ai đó hỏi họ Geisha là gì? Đó chính là một biểu hiện thành công của việc chiếm dụng văn hóa của phương Tây. Tất nhiên, tôi cũng không đáng trách nếu đối tượng không tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản quá nhiều. Nhưng tôi vẫn trách những người sau khi biết được câu chuyện vẫn khen bộ phim vì các cảnh phim đẹp và xuyên tạc văn hóa nước khác của một số nhà làm phim và tác giả phương Tây. Suy cho cùng, một khi đã đọc hay xem về một tác phẩm tiểu sử, nếu không có sự kiểm duyệt của người còn sống, các bạn hãy nên kiểm chứng thực tế câu chuyện đã bị sửa đổi bao nhiêu.

Biên tập: Navi

Nhận xét