SHIKI-JITSU - CHỨNG RỐI LOẠN NHÂN CÁCH RANH GIỚI HẬU SANG CHẤN QUA LĂNG KÍNH ĐỘC ĐÁO CỦA HIDEAKI ANNO.

Những mẩu thoại xuyên suốt Shiki-Jitsu đều vẽ lên sự ảo hóa, một ảo tưởng biến mất khỏi thực tại và trốn chạy đến một khoảng không khác - nơi mà sắc đỏ hiện lên đầy êm dịu và màu xanh lại mang đến những mảnh kí ức khắc khoải đến vô cùng. 

—-----------------

Shiki Jitsu, hay Ritual - một trong những sản phẩm live-action được xem là kém nổi bật hơn so với loạt phim Evangelion đồ sộ của đạo diễn Hideaki Anno. Nếu “Love & pop” là cách nam đạo diễn thể hiện góc nhìn xoay quanh xã hội Tokyo đương đại , Shiki Jitsu lại chứa gì đó riêng tư hơn với một câu chuyện được kể hoàn toàn bằng thủ pháp dựng cảnh công phu. Dựa trên truyện ngắn Tōhimu của biên kịch Ayako Fujitani, mối quan hệ của cô gái kì lạ “she” và người đạo diễn vô danh trong vỏn vẹn 31 ngày dần mở ra một góc nhìn về bệnh tâm lý.

“Nghi lễ” mở đầu bằng khung cảnh thành phố treo đầy những cột khói từ các nhà máy và rên rỉ những âm thanh nhói tai của kim loại, ấy chính là hiện thực xám xịt mà người ta muốn lờ đi. Máy quay dần theo chân nhân vật đạo diễn đến một đường ray tàu hỏa, nơi đã quá quen thuộc với “she”. Cô ngồi đó, trong một bộ trang phục kì lạ, khuôn mặt phủ đầy phấn, sóng mũi đỡ một chiếc kính khôi hài và tóc cuốn trong những lọn màu cợt nhả. She luôn mơ mộng và sống trong một thế giới vô thực đầy màu sắc của riêng mình - cô đã thoát ly khỏi thực tại, như một biện pháp tạm thời để khỏa lấp cho cuộc sống trống rỗng và tiêu cực của bản thân. Ngày qua ngày, cô luôn hỏi đạo diễn rằng: “Anh biết mai là ngày gì chứ?” Và đạo diễn sẽ luôn đáp lại: “Sinh nhật của em phải không?” Đến một ngày nọ, sinh nhật thật sự của she đã đến, cũng là ngày cô chấp nhận thực tế mà mình luôn trốn chạy, vì giờ đây, đạo diễn đã cho cô hi vọng, tình yêu và sự chữa lành.





Bằng khả năng thị giác vô hạn sau nhiều năm kinh nghiệm trong việc đạo diễn hoạt hình, Hideaki đã đặt hai nhân vật vào những set quay đa dạng. Nổi bật trong đó phân đoạn she co ro trong bồn tắm dưới tầng hầm, chung quanh là nước, bóng bay và những chiếc ô màu đỏ, một bàn tiệc sinh nhật với cây guitar điện xanh đen chễm chệ trên cùng. Bước ra khỏi tầng hầm là một chung cư bảy tầng, mỗi tầng đều được she gọi là “bí mật”. Mỗi tầng dường như gắn liền với một nỗi đau trong she, đơn cử là tầng phủ đầy màu trắng và ngổn ngang những vật dụng màu đỏ. Đó là nơi she sưu tầm cho mình hàng chục chiếc điện thoại đỏ tươi, từ đó giọng mẹ cô phát ra; khi van nài, lúc khẩn khoản; đỉnh điểm là sự trách móc thậm tệ: “Mày lại như chị gái mày đúng không? Đi theo gã đàn ông tồi kia và bỏ tao lại đây một mình?”. Trái ngược với tầng hầm được bố trí từng xen-ti-mét, tầng thượng được lắp đầy bởi bãi phế liệu ngổn ngang đầy vụng về. Nếu buông mình khỏi lan can màu đỏ sắt, she sẽ rơi xuống dưới. Không dưới một lần, cô đã nhiều lần leo khỏi ban công và đặt trên đôi chân mình một ước vọng về việc ngưng tồn tại. Những lúc ấy, máy quay khi thì đặc tả đôi chân của cô; lúc thì góc viễn cảnh lại thu phóng toàn cảnh sau lưng she, dường như Hideaki cố tình giấu đi biểu cảm trên khuôn mặt cô lúc bấy giờ.


Thủ thuật dàn cảnh tiếp tục dẫn dắt bởi chiếc máy quay đầy linh hoạt của Yuichi Nagata. Góc máy theo chân nhân vật she qua những ngã rẽ của tòa nhà, những khung cửa sổ bằng kính nhiều màu sắc thay nhau phản chiếu gam đỏ, xanh, vàng vào khung ảnh. Cú máy xoay tròn thể hiện sự kịch tính trong tâm lý nhân vật cũng được phóng đại bằng tốc độ và sự bất ổn trong chuyển động khi nhân vật she bắt đầu hoảng loạn. Trông có vẻ thô sơ hơn một chút, chúng ta có những cảnh được dựng qua chiêc máy quay cầm tay của nhân vật đạo diễn luôn cố gắng ghi lại mọi khoảnh khắc ngây ngô của she. Nhờ thế, nội dung của bộ phim được truyền tải nhẹ nhàng và bắt nhịp cảm xúc khán giả một cách dễ dàng hơn.  Bên cạnh đó, biểu tượng ray xe lửa xuất hiện liên tục: từ bộ mô hình lắp ráp mà đạo diễn thích cho đến những địa điểm họ thường đến cùng nhau; không những thế, những chuyến tàu hỏa còn hoạt động ở một địa điểm không có thật, được hoạt hình hóa, lướt ngang và song song với she đến vô định. Tất cả đã tạo nên những frame hình cân xứng tự nhiên.



Với khả năng dàn xếp set quay đầy ấn tượng ấy, nội dung về “nghi lễ” mà she thực hiện mỗi ngày càng đáng lưu tâm hơn. “Biến mất và rời bỏ tất cả là lý do mà em thực hiện nghi lễ”, she giải thích. Các bước thực hiện “nghi lễ” không được liệt kê rõ ràng, và thật ra “nghi lễ” cũng không được định nghĩa mạch lạc. Có lẽ đó chỉ là phép ẩn dụ cho những vòng lặp trong suy nghĩ và hành động của she, nổi bật là chứng mất ngủ và câu hỏi trùng lặp về ngày mai. 


She có thể ngả lưng ngay trên con đường vắng người hay thu mình giữa những khối hình lập thể được bố trí ngay ngắn ở một tầng lầu ngẫu nhiên, dẫu thế, cô không bao giờ chợp mắt. Khi được đạo diễn hỏi về việc mình không bao giờ ngủ, cô nói “Em sợ việc ngủ. Khi em khép đôi mắt lại, có thứ gì đó rất nặng vuốt ve đầu em và mỗi khi em cố đẩy nó ra xa, nó lấn át em nhiều hơn. Em không thể rời mắt khỏi nó, vì vậy em không ngủ, em chỉ ngất đi.”  Mất ngủ và hoang tưởng là hai trong những triệu chứng điển hình của các rối loạn tâm thần. She luôn ám ảnh với một thứ gì đó, có vẻ là hình ảnh phản chiếu của cô, hay của mẹ cô, của chị cô; vì dường như cả ba đều có những điểm chung nhất định. Một ngày nọ, she lo lắng, cô sợ rằng mình sắp trở thành mẹ mình, một kẻ vô tâm và lạm dụng tinh thần người khác; hay chính cô cũng phản chiếu lại hình ảnh của chị mình, một người bị gã bạn trai bạo hành trong một mối quan hệ độc hại.



Một phần khác của “nghi lễ” chính là việc lặp lại câu hỏi “Anh có biết mai là ngày gì không?” mỗi ngày. Sau ba mươi hai ngày lặp lại câu hỏi, she đã tiết lộ ngày sinh nhật của mình: 7 tháng mười hai. Để she mở lòng với hiện thực, đạo diễn cũng đã trải qua nhiều trăn trở. Ban đầu, anh quan sát she như một chủ thể sống động trong khi bản thân chỉ là một vai phụ mờ nhạt. Dần về sau, anh chạm vào cô, giữ cô lại giữa làn mưa khi she cố lao ra nhảy múa giữa dòng xe tấp nập; ấy cũng là khi nỗi đau về mất gia đình lấp đầy she. Nhưng bên cạnh một kẻ bất ổn, kì lạ và phi thực tế, đạo diễn cũng dần nản lòng, anh đã nghĩ về việc bỏ rơi cô. Có lẽ đó là phân đoạn hồi hộp nhất bộ phim, không cần bất kì hiệu ứng giật gân nào, chỉ cần một tiếng hét, một đôi tay đập phá mọi thứ xung quanh, một bóng hình sắp ngã khuỵu xuống nền đất đã khiến cảm xúc của người xem đạt đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, anh đã chọn ở lại, ngăn cô trở thành một kẻ như mẹ mình - một kẻ luôn nổi giận, lạm dụng cảm xúc và chỉ trích thái quá người khác. She đã nhào đến ôm đạo diễn thật chặt, nước mắt trào ra và nỗi sợ về việc mất đi một người yêu thương vẫn ở đó. Anh bước vào tâm trí của cô, và giải quyết từng nhân tố một, bắt đầu bằng hình ảnh về người mẹ vô tâm. Anh đã mời mẹ đến gặp cô, tuy không thể kết nối với mẹ, she đã nở một nụ cười và nói cám ơn, ấy là niềm hạnh phúc thật trong thế giới thật. Đây chính là mạch liên kết chủ đạo của phim, tâm lý nhân vật đạo diễn bám sát vào cấu trúc ba hồi tuyến tính: mở màn - đối chất - một kết thúc có hậu.



Bên cạnh đó, chủ nghĩa thoái thác gần như bao trùm toàn bộ câu chuyện. She luôn nỗ lực trốn tránh khỏi quá khứ tiêu cực bằng việc chạy trốn sang một thế giới khác và né tránh việc ngủ sau hoàng hôn. Về mặt vật lý, trên thực tế, những người lạm dụng tư duy trốn tránh có thể sử dụng chất kích thích hay tình dục như một cầu nối dẫn họ ra khỏi hiện tại. Trong trường hợp của she, cô đã chơi với một chú mèo. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi nuôi mèo, cô đã không thực hiện nghi lễ. Bởi khi đó, chú mèo đã tạm thời giúp cô quên đi mình là ai và tất cả những mọi điều she làm là chú tâm vào việc giữ mèo ta lại bên cạnh. Tuy nhiên, chú mèo bỏ đi, và she lại rơi vào hỗn loạn, nghi lễ lại được thực hiện như trước kia. Không dừng lại ở đó, sự căm ghét việc bị vứt bỏ luôn được đặc tả từ những phân cảnh đầu tiên của phim: cô gần như luôn ở cạnh đạo diễn, ví dụ như khi anh bước ra từ cửa hàng thuốc lá, cô đã lon ton theo sau anh, dường như chỉ cần chậm một bước, anh sẽ bỏ cô mà đi. 


Như đã phân tích, bộ phim mang lại một sự thỏa mãn tuyệt đối về thị giác và có một cốt truyện mang tính kịch. Tuy nhiên, Hideaki Anno có vẻ đã quá tham lam khi khai thác nhiều chủ đề xoay quanh she. Vâng, một người phụ nữ có thể vừa bị bạo hành tâm lý, vừa mất người thân, vừa rơi vào một mối tình đầy bạo lực, bị bỏ rơi, và hoang tưởng. Nhưng có vẻ bộ phim đã được biên kịch như một vũ khúc rối ren, nhảy nhót từ điệp khúc cuối cùng này sang phần lời đầu tiên. Khúc mắc về người mẹ của she đã được giải quyết, nhưng mối quan hệ độc hại mà cô và chị gái đừng vướng phải sẽ diễn ra thế nào, nỗi đau mất đi cả gia đình vẫn còn dang dở đang cần được viết tiếp. Có thể Hideaki và Ayako đã kết nối vấn đề tâm lý của she với hình ảnh người mẹ vô trách nhiệm của cô như sắp xếp những khối domino và bỏ quên mảnh ghép về rối loạn hậu sang chấn một cách có chủ đích. Tuy vậy, với quan điểm cá nhân, mình luôn tò mò về việc liệu kí ức về tai nạn, ngày mà đã cướp đi những người she yêu thương; những nỗi đau thể xác day dẳng quay lại khi kí ức về gã bạn trai tệ bạc quay lại, she sẽ đối diện với nó thế nào? Và liệu cô có vượt qua nó như cách cô mỉm cười sau khi mẹ rời đi? Hoặc như hình ảnh những chuyến tàu lao đi trong xuyên suốt bộ phim, ngoài vai trò kết nối những cảnh quay lại với nhau, chúng có ẩn dụ cho điều gì lớn lao hơn để trở thành một biểu tượng quan trọng đến thế? Nếu không, bất kì hình ảnh nào khác cũng có thể được sử dụng như một mạch liên kết giữa các cảnh quay, không thật sự mang ý nghĩa cốt lõi và thật cliché.

Tuy có những điểm chưa thật sự hài lòng, mình vẫn yêu cách Hideaki đưa hai nhân vật đến với nhau, cách cả hai thể hiện tình yêu (mà không cần tình dục) và cả những câu thoại dấy nên sự đồng cảm về việc tự s.át khi cô đứng trên sân thượng. Những lời nói phi lý, những hành vi kì lạ ấy được xây dựng nên qua một hành trình phát triển đầy bất hạnh: trầm cảm, lo âu, bạo hành, những mối quan hệ độc hại và nỗi đau mất người thân khiến hành vi của she trông thật bất thường. Từ đó, cô thực hiện nghi lễ gián tiếp thể hiện khát khao được thấu cảm và chỉ bảo một cách vị tha rằng cách đối diện với thế giới khắc nghiệt. She thực hiện nghi lễ để biến mất, và cô đã thật sự biến mất. Thay vào đó, một cô có thể hòa nhập với cuộc sống thực đã ở đó, trong cùng một tòa chung cư bảy tầng, nhưng không phải là ở mép sân thượng hay tầng hầm được bài trí những vật dụng khơi gợi ký ức. Cô đứng trong một căn phòng, tay kéo rèm cửa và những ánh sáng thay nhau rọi xuống nền đất. 

“Ngày mai sẽ mang đến cho em một cuộc sống mới đầy hạnh phúc.” 

Biên tập: Karad Prio.

Nhận xét