[LỊCH SỬ] VISUAL KEI: TỰ DO THỂ HIỆN BẢN THÂN

 
    Visual Kei (hay VKei, V系) nổi lên trong giới underground vào thập niên 80s, khi Nhật đang trên đỉnh cao của nền kinh tế hậu chiến thịnh vượng. Những cái tên của thế hệ đầu tiên bao gồm X Japan, Buck-Tick, Dead End và D’erlanger. Mối liên hệ gần nhất với phương Tây là glam rock với những nghệ sĩ tiêu biểu như David Bowie và Alice Cooper. 
 
Pata, hide và Heath (X Japan) trên bìa tạp chí ARENA 37˚C

 
Buck-Tick
 
Dead End

    Ban đầu, làn sóng không được biết đến bởi thuật ngữ Visual Kei. Chữ “Visual” bắt nguồn từ khẩu hiệu của X Japan “Psychedelic Violence Crime Of Visual Shock” viết trên album Blue Blood (1989). Từ đây, thuật ngữ trở thành “Visual Shock Kei” rồi rút gọn thành Visual Kei như ngày nay. Tạp chí SHOXX cho ra mắt thuật ngữ một năm sau đó, gắn chặt thuật ngữ với làn sóng. Những tạp chí khác như ARENA 37˚C, Rock and Read, và Cure thường xuyên đăng tải những bài phỏng vấn nghệ sĩ. 
 
Rock and Read

Cure

    Tay chơi guitar của X Japan, hide được ghi danh là một trong những người sáng lập chính của làn sóng. Với mái tóc hồng neon đặc trưng và guitar solo, ông lôi kéo và làm say đắm mọi tầng lớp khán giả. Ông là một trong số ít nghệ sĩ Visual Kei có sự nghiệp solo thành công rực rỡ sau khi X Japan tan rã. Cái chết của hide do treo cổ - được công bố như một vụ tự sát, nhưng lại tin là tai nạn bởi những người gần gũi với ông, báo trước hồi kết của thời kỳ hoàng kim của làn sóng. Cho đến ngày này, rất nhiều nghệ sĩ tri ân di sản và những cống hiến của hide, không chỉ cho làn sóng Visual Kei, mà còn cho nền âm nhạc Nhật Bản nói chung. 
 
hide (X Japan)
 

Thể loại âm nhạc hay tuyên bố thời trang?

 
    Hầu hết mọi người nhìn nhận Visual Kei như những kẻ nổi loạn chống lại xã hội sống hòa đồng với tập thể. Các thành viên dễ dàng bước qua ranh giới của giới tính và xu hướng tính dục, khoác lên mình lớp trang điểm lộng lẫy, chưng diện những bộ cánh phức tạp lòe loẹt mà thu hút sự chú ý của công chúng ngay lập tức. Các ban nhạc thường cho ra mắt ngoại hình mới khi quảng bá đĩa đơn hoặc album mới. 
 
    Cách hiểu về Visual Kei đa dạng từ nghệ sĩ này đến nghệ sĩ khác. Những nhà phê bình nổi tiếng ở phương Tây dễ dàng gán nó là “thể loại nhạc” và mặc kệ như vậy. Tuy nhiên, bản thân các nghệ sĩ Visual Kei ngụ ý nó như một phong cách. Trong bài phỏng vấn của JaME với Yoshiki, tay trống kiêm người đứng đầu ban nhạc X Japan năm 2011 đã viết “...Visual Kei giống như tinh thần, không phải thể loại âm nhạc. Tôi nghĩ nó là tự do mô tả bản thân, thể hiện bản thân. Tôi tin Visual Kei là như vậy”. Những band khác như Angelo, MUCC hay Plastic Tree cũng đưa ra nhận định tương tự. 
 
    Rõ ràng, rock và metal không phải âm thanh chủ yếu của các nghệ sĩ Visual Kei. Như mọi làn sóng âm nhạc khác, rốt cuộc, những nhánh của thể loại chính nổi lên. Nagoya Kei, được cho là ra đời trước cả thời kỳ bùng nổ của làn sóng, tập trung trong khoảng cuối thập niên 90s tại thành phố thuộc tỉnh Nagoya và lynch. mang cảm hứng của họ từ những ban nhạc rock/punk Anh và sự ít tập trung hơn lên quần áo và trang điểm. Mặt còn lại là Oshare Kei, nổi lên vào những năm đầu thập niên 2000, nhấn mạnh vào thời trang và những xu hướng mới nhất. Màu sắc tươi sáng, lời ca khúc tươi vui, âm thanh rock/pop là chi tiết tiêu biểu của Oshare Kei. An Cafe là cái tên tiêu biểu của phong cách này. Những band khác chọn một phong cách thời trang cụ thể làm cho họ trở nên dễ nhớ đến giữa những người khác. Ví dụ như Versailles, hướng đến nghệ thuật và trang phục Rococo Pháp.
 
lynch., đại diện tiêu biểu của Nagoya Kei

An Cafe, đại diện tiêu biểu của Oshare Kei

Versailles, đặc trưng với phong cách quý tộc
 

Neo-Visual Kei: Thế hệ mới với chiến lược mới

 
    Những năm 2000s chứng kiến thế hệ mới bắt đầu phát triển trong làn sóng. Golden Bomber, một “air band”, tạo dựng tên tuổi cho mình với điệu nhảy kì quái, parody, và tình tiết ám chỉ văn hóa pop. the GazettE, Dir en grey, Alice Nine, Angelo và Plastic Tree là một số cái tên củng cố bản thân như người thiết lập làn sóng Neo-VK. 
 
Golden Bomber, một "air band" Visual Kei nổi tiếng

the GazettE

Dir en grey
 
    Tuy nhiên, thế hệ mới này đón nhận chỉ trích từ những nhà phê bình và nghệ sĩ thế hệ đầu. Ai là người dấn thân vào vì âm nhạc, và ai là người dấn thân chỉ để trông thật ngầu và khác biệt? Cuộc tranh luận vẫn kéo dài đến ngày nay. Nhiều nghệ sĩ cảm thấy rằng linh hồn của làn sóng đã gần như biến mất hoàn toàn do thương mại hóa, và đã đánh mất tầm quan trọng của việc chối bỏ đi theo kỳ vọng thông thường của xã hội. 
 
    Nhiều band từ thế hệ đầu tiên đã rủ bỏ bản thân khỏi trang phục và lớp trang điểm khi họ chuyển mình sang hình ảnh ngôi sao nhạc rock bóng bẩy. Glay và LUNA SEA là những ví dụ của sự từ bỏ hình ảnh và ngoại hình này. Những band khác đã tan rã với thành viên có sự nghiệp solo thành công như Miyavi, cựu thành viên Dué le quartz, người duy trì hình ảnh Visual Kei nhiều năm trước khi đi theo ngoại hình bóng bẩy như bây giờ. Những band khác, như D’espairsRay, từ bỏ hoàn toàn danh hiệu Visual Kei và tự nhận bản thân như rockband, thường xuyên bác bỏ những người tiếp tục coi họ là Visual Kei. 
 
Miyavi, nghệ sĩ solo từng đi theo phong cách Visual Kei
 
    Nhờ vào Internet và Anime, Visual Kei dần nhận được sự chú ý từ nước ngoài. Có lẽ do cảm nhận được nhận thức của công chúng về Visual Kei, nhiều band bắt đầu lưu diễn ở châu Âu và Mỹ trước khi thực hiện buổi diễn lớn ở quê nhà. Khi những lễ hội chủ đề Nhật Bản nổ ra, ban tổ chức sẽ mời những nghệ sĩ Visual Kei biểu diễn và tổ chức giao lưu. Trong khi đa số VK band gồm toàn bộ thành viên nam hoặc cả nam lẫn nữ, vài VK band toàn nữ đã tạo dấu ấn trong nền âm nhạc, tiêu biểu có exist✝trace từng được mời tham gia lễ hội nước ngoài nhiều lần. 
 
Exist Trace, ban nhạc Visual Kei toàn nữ nổi tiếng
 

Kết hợp âm nhạc với chính trị và vấn đề xã hội

 
    Có lẽ hơn cả những ban nhạc chính cống, Visual Kei band không bị trừng phạt khi bình luận về chính trị và vấn đề xã hội với tư cách cá nhân và nhạc sĩ. Ban nhạc LOUDNESS không hề lo ngại khi viết ca khúc về niềm tin không hạt nhân, ví dụ ca khúc “Sun Will Rise Again”. Tay guitar ban nhạc Glay, Takuro đã đưa ra quan điểm không chiến tranh mạnh mẽ trên tạp chí như phản hồi sự bùng nổ chiến tranh tại Iraq năm 2003. Sugizo từng nói rằng ông muốn động đến những chủ đề nặng nề hơn khi LUNA SEA bước sang thập niên 2000s: “Tôi muốn ban nhạc truyền tải nhiều thông điệp hòa bình và ô nhiễm môi trường hơn, nhưng các thành viên nói ‘Không’. Đó là một trong những lí do tôi cảm thấy thất vọng về LUNA SEA.”
 
    Ca khúc “Taion” (tạm dịch: Nhiệt độ cơ thể người) của the GazettE là hàm ý về vụ án tra tấn giết người học sinh cao trung Furuta Junko vào năm 1989. Đĩa đơn năm 2011 của Dir en grey “Different Sense” hàm ý về sự kiện 11/3, thảm họa kép động đất và sóng thần Tohoku đã kích hoạt sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima. MV đi kèm chiếu những cảnh quay về thí nghiệm y khoa và mây hình nấm, đặt rải rác cùng xúc tu và bản đồ Nhật Bản.
 

Visual Kei đang chết dần? 

 
    Ta có thể thận trọng nói rằng thời kì hoàng kim của làn sóng đã qua từ lâu. Tạp chí SHOXX tiếng tăm phát hành số cuối cùng vào tháng 11/2016 sau khi điền đơn phá sản. Trong khi các ban nhạc Visual Kei vẫn thành lập, nhiều cái tên trong số đó tan rã sau vài tháng hoạt động hoặc âm thanh như hàng ngàn cái tên khác trước đó. Các nhà sáng tác bắt mạch làn sóng lo ngại và tự hỏi nó sẽ tiến tới đâu trong tương lai.
 
Số cuối cùng của SHOXX, phát hành tháng 11/2016 với ban nhạc Sendai Kamatsu ở trang bìa
 
    Tuy nhiên, làn sóng chưa chết hoàn toàn. Những band lâu năm vẫn lôi kéo đám đông đến concert của họ. LUNA SEA và X Japan tái hợp. the GazettE vừa kết thúc một chuyến lưu diễn thế giới thành công nữa. Dir en grey gần đây công bố đĩa đơn mới và chuyến lưu diễn châu Âu. Trang web âm nhạc Nhật BARKS công bố danh sách những ban nhạc Visual Kei sẽ thu hút nhiều sự chú ý vào năm 2019. 
 
    Điều gì đó trong trang phục và lời ca khúc của phong cách có phần gợi tình, dẫn bạn đến miền không gian khác nơi thời trang và âm nhạc hòa hợp tạo ra một trải nghiệm đầy tính bản năng. Đó là thứ không thể bị dập tắt dễ dàng bởi xu hướng âm nhạc hiện đại. Trong khi có thể nhìn lại những năm tháng hoàng kim trong hoài niệm, chúng ta nên trân trọng những tài năng cố gắng giữ tinh thần Visual Kei sống mãi. Chắc chắn, nó chưa phai mờ lúc này.
 

(Bài viết lược dịch từ "Visual Kei in Japan: The Freedom to Describe Yourself"

Link bài gốc: https://unseenjapan.com/visual-kei-japan/)

 
Biên tập: Havi

Nhận xét